HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP XÃ BẮC RUỘNG

Bình Thuận sản xuất lúa bền vững nhờ phương pháp SRI

22/03/2024 Lượt xem: 2408

Mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI đã giúp nông dân Bình Thuận giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận đáng kể.

Lúa là một trong những cây trồng sản xuất chính của tỉnh Bình Thuận, với diện tích canh tác hàng năm lên đến trên 100.000ha; năng suất bình quân dao động từ 5,5 - 5,8 tấn/ha.

Tuy nhiên, phần lớn tập quán canh tác tại nhiều địa phương trong tỉnh còn lạc hậu, nông dân gieo sạ giống với mật độ dày từ 25 - 30 kg/sào, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân đạm nhiều. Điều này làm cho cây lúa bị sâu bệnh hại, không cứng cây, rất dễ đổ ngã khi gặp thời tiết mưa gió. Từ đó, chi phí thu hoạch tăng cao nhưng năng suất lúa giảm xuống.

Trong bối cảnh giá giống, vật tư tăng, đặc biệt là giá phân bón hóa học tăng gấp 2 lần so với trước đây thì bình quân 1kg lúa có giá thành tăng thêm khoảng 1.500 – 2.000 đồng, tương đương khoản lợi nhuận của nông dân trồng lúa. Vì vậy, cách sản xuất lúa truyền thống này sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu cho người dân.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã áp dụng mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI vào một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn. Cụ thể, Trung tâm triển khai mô hình và chuyển giao kỹ thuật cho các HTX vùng trồng lúa trọng điểm ở Tánh Linh... từ vụ Đông Xuân 2016 - 2017 thông qua dự án của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV).

Áp dụng mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI tại các HTX vùng trồng lúa trọng điểm ở Bình Thuận

Theo đó, mô hình sản xuất SRI với lượng giống gieo 12kg/sào đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho nông dân trồng lúa như giúp năng suất tăng 5 - 15%; hiệu quả kinh tế tăng lên 5 - 20% và giảm lượng nước tưới trong mùa khô từ 25 - 35% so với cách sản xuất gieo sạ với mật độ dày từ 20 - 30 kg/sào.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng cho sản phẩm lúa gạo địa phương, nhiều hộ nông dân còn kết hợp sản xuất lúa SRI theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm để cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, nhờ sản xuất lúa theo yêu cầu nên HTX thu mua với giá ổn định và cao hơn sản xuất lúa thông thường nên nông dân có lãi.

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, đến nay toàn tỉnh đã có 1.100ha lúa sản xuất theo phương pháp SRI. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng mô hình tại các vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao. Từ đó góp phần xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu tại các vùng trọng điểm trồng lúa ở huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình.

Trong năm 2022, Trung tâm sẽ triển khai mô hình thâm canh cây lúa theo phương pháp cải tiến SRI đạt chứng nhận VietGAP, đáp ứng truy xuất nguồn gốc theo liên kết chuỗi với quy mô khoảng 20ha tại vùng lúa huyện Tánh Linh.

Tags:

Thông tin liên hệ

Bài viết khác

Tái cơ cấu nông nghiệp trồng lúa ở Tánh Linh: đôi nét về thực trạng và hướng tới

Tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế vùng lúa chất lượng cao trên 3.000 ha, trong đó xây dựng 525 ha “cánh đồng lớn” tại Lạc Tánh, Gia An, Bắc Ruộng, Măng Tố, Nghị Đức. Đồng thời, tổ chức sản xuất 170 ha giống lúa xác nhận.

Hội Nông dân Tánh Linh thẩm định dự án mô hình nhân giống lúa xác nhận tại xã Bắc Ruộng

Được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận phân bổ cho huyện Tánh Linh nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội 600 triệu đồng.

Tánh Linh phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm tập trung, chất lượng cao

Lúa là một trong những cây trồng sản xuất chính của tỉnh Bình Thuận, với diện tích canh tác hàng năm lên đến trên 100.000 ha, năng suất bình quân dao động từ 5,5 - 5,8 tấn/ha. Tuy nhiên, phần lớn tập quán canh tác tại nhiều địa phương trong tỉnh còn lạc hậu, nông dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và bón phân đạm nhiều, điều đó dẫn đến chi phí thu hoạch tăng cao nhưng năng suất lúa giảm xuống.
Top