TỪ THỰC TRẠNG ĐẾN CHỦ TRƯƠNG
Huyện miền núi Tánh Linh có diện tích đất đai rộng lớn (117.422 ha), trong đó có 40.750 ha đất nông nghiệp; với hệ thống sông suối và thủy lợi khá đồng bộ, hạ tầng giao thông kết nối tốt, trở thành vùng đầy tiềm năng và lợi thế trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi lớn của tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, nguồn lực tại chỗ hạn hẹp, tập quán sản xuất và kinh doanh chuyển dịch chậm, chưa theo kịp với xu thế hội nhập quốc tế và tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển bền vững; ngoài ra, còn chịu ảnh hưởng ngày càng bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... nên trong nhiều năm qua, những tiềm năng và lợi thế ấy chưa được khơi dậy, chưa có bước đột phá.
Đánh giá đúng thực trạng trên, giai đoạn 2015 – 2020, Huyện ủy khóa VIII (2015 – 2020) đã định hướng các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá gồm: Một, Tập trung đẩy manh việc tái cơ cấu nông nghiệp. Hai, Tiếp tục ổn định và đầu tư phát triển theo chiều sâu vùng lúa chất lượng cao, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”; bên cánh đó, chú trọng nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản. Ba, Tập trung phát triển giao thông nội đồng gắn với kiên cố hóa kênh mương thủy lợi để phục vụ nền sản xuất nông nghiệp bền vững của địa phương. Bốn, Tiếp tục thực hiện việc mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn và nông nghiệp công nghệ cao, gắn với liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản...
Cánh đồng mẫu lớn
MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Đến nay, hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi và năng lượng đã cơ bản bao phủ tới khắp các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung; đảm bản vận tài hàng hóa, điện, nước... phục vụ lao động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả theo hướng liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, hình thành các tổ chức kinh tế tập thể (hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác...) trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân...
Thương hiệu “Gạo Tánh Linh” đã hình thành, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bước đầu khẳng định chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng, tin dùng. Trong đó, nổi bật có nhãn hiệu Gạo Đức Lan của HTX sản xuất lúa gạo hữu cơ Đức Lan theo quy trình SRI trên diện tích 45,5 ha tại xã Đức Bình, Bắc Ruộng.
Gạo Đức Lan Tánh Linh
Tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế vùng lúa chất lượng cao trên 3.000 ha, trong đó xây dựng 525 ha “cánh đồng lớn” tại Lạc Tánh, Gia An, Bắc Ruộng, Măng Tố, Nghị Đức. Đồng thời, tổ chức sản xuất 170 ha giống lúa xác nhận. Mạnh dạn chuyển đổi trên 2.700 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, rau, đậu và cây hoa màu các loại. Thí điểm trồng sau an toàn, nông nghiệp sạch tại Đồng Kho, Bắc Ruộng. Xây dựng Mô hình “Nuôi cá thát lát an toàn sinh học bằng thức ăn công nghiệp theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ” trên địa bàn xã Gia An; quy mô 450m3 lồng bè và 3.500 m2 ao đất, với tổng số giống thả nuôi là 61.750 con/13 hộ. Nhà nước hỗ trợ 70% con giống và 30% thức ăn từ nguồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí trên 500 triệu đồng. Xây dựng Chi hội nghề cá xã Gia An, với số lượng xã viên tham gia là 17 hộ, nhằm phát huy hiệu quả việc nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững trong vùng lòng hồ Biển Lạc. Hoạt động liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ phục vụ xuất khẩu ngày càng mở rộng tại nhiều xã, thị trấn trong huyện, với nhiều cây trồng mới (đậu bắp, ớt, khổ qua...) cho thu nhập khá hơn những cây trồng hiện trạng (bắp, hoa màu khác)
Các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tập thể ngày càng được nhiều hộ gia đình quan tâm phát triển, liên kết thực hiện khác so với truyền thống. Bước đầu xây dựng 31 trang trại (4 trang trại trồng trọt, 10 trang trại chăn nuôi và 17 trang trại tổng hợp). Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả của 11 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp.
TRĂN TRỞ HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI
Những tiềm năng và lợi thế của Tánh Linh trong phát triển nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đã được các cấp, các ngành ở địa phương đánh giá đúng thực trạng, đề ra giải pháp khá đồng bộ. Tuy nhiên, những rào cản về chất lượng nguồn nhân lực, thu hút vốn đầu, liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.. vẫn là những thách thức mà địa phương khó vượt qua “một sớm một chiều”. Mặt khác, dù có những thuận lợi về đầu nguồn thủy lợi, nhưng hàng ngàn ha đất nông nghiệp ở Tánh Linh vẫn rơi vào tình trạng thiếu nước vào mùa khô và ngập úng vào mùa mưa trầm trọng, do chưa kiện toàn hệ thống kênh mương thủy lợi và lượng nước tích trữ ít ỏi vào mùa khô. Ngoài ra, những tác động của biến đổi khí hậu, sạt lở sông, suối... cũng là những nguy cơ thường trực đe dọa nhất định đến phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương.
Hơn nữa, Tánh Linh tuy có diện tích đất tự nhiên khá lớn, song có đến 58,3% là đất lâm nghiệp; số diện tích đất nông nghiệp có được tính bình quân đầu người, đầu hộ không nhiều (do đa số người dân sinh sống bằng nông nghiệp), hầu hết là nhỏ lẻ, manh mún, chằng chịt bờ vùng bở thửa. Vả lại, trong tổng số diện tích đất nông nghiệp thì diện tích đất lúa lại chiếm phần lớn, nên rất khó khăn trong việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, v.v... Vẫn chưa hết, huyết mạch giao thông của 7 xã khu vực Bắc sông của huyện (đường ĐT 717) hiện còn nhỏ hẹp, lại đang xuống cấp trầm trọng, làm cản trở tiến trình phát triển kinh tế hàng hóa và đời sống dân sinh ở địa phương.
Đó chính là những “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong tái cơ cấu và đột phá phát triển về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Tánh Linh. Đó cũng chính là những trăn trở, tìm tòi hướng đi, giải pháp khắc phục của lãnh đạo địa phương mà tôi từng có dịp diện kiến. Theo đó, nếu sớm khởi công và hoàn thành công trình Thủy lợi La Ngà 3, đồng thời nâng cao trình Đập tràn Tà Pao lên 2m và hoàn thiện hệ thống thủy lợi Tà Pao, thì hoạt đông tưới và tiêu nước sẽ được chủ động, đảm bảo không chỉ cho huyện Tánh Linh mà còn một số địa phương khác lân cận (như đã được các cấp có thẩm quyền khảo sát, đánh giá...).
Mặt khác, đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi Luật đất đai theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cải tạo đất đai để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, xin đề xuất với cấp có thẩm quyền của tỉnh Bình Thuận xem xét, bổ sung định hướng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025 theo hướng quan tâm đúng mức hơn nữa đến các huyện miền núi phía Nam của tỉnh. Trong đó, bên cạnh thế mạnh của tỉnh về phát triển Trung tâm du lịch biển quốc gia, thì cũng cần quan tâm phát huy tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, gắn với du lịch về nguồn... tại các vùng miền núi có di tích lịch sử, căn cứ kháng chiến, nhiều thắng cảnh, hệ thống thác nước (Thác Bà, Thác Mai, Thác Mưa Bay, Thác Trượt, Thác Đầu Trâu...) và hồ nước (Biển Lạc, Tà Pao, Hàm Thuận – Đa Mi...) hết sức đa dạng, phong phú và kỳ thú như ở Tánh Linh. Thông qua đó, cũng góp phần làm đa dạng, phong phú, đặc sắc thêm sản phẩm du lịch của tỉnh nhà. Thông qua đó, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển đột phá vùng miền núi, hạn chế khoảng phát triển giữa vác vùng kinh tế trong tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, v.v...
Thông qua bài viết này, kính mong quý cấp có thẩm quyền quan tâm giúp đỡ Tánh Linh tháo gỡ những “nút thắt” và đả thông những “điểm nghẽn” nêu trên. Nếu sớm làm được như vậy, kỳ vọng rằng, đến năm 2023 – 2024, thời điểm huyện Tánh Linh kỷ niệm 40 năm tái lập (1983 – 2023) và 50 năm Giải phóng (1974 – 2024), huyện nhà sẽ thật sự phát triển lên tầm cao mới, tô thắm thêm trang sử huyện “Anh hùng lực lượng vũ trang”, xây dựng quê hương “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.