Một trong những kỹ thuật ảnh hưởng đến năng suất của cây lúa là bón phân đón đòng, vì vậy cần tránh việc xác định sai thời điểm bón phân đón đòng như bón phân quá sớm trước 35 ngày đối với giống trung và ngắn ngày, hoặc bón quá muộn khi lúa đã hình thành đòng. Bón phân đón đòng cần lưu ý những vấn đề sau đây:
* Tác dụng của việc bón phân đón đòng đúng thời điểm
Giai đoạn tượng khối sơ khởi (hay còn gọi là đứng cái) rất quan trọng, giai đoạn này cây lúa có thời gian rất ngắn để bước vào phân hoá đòng, hình thành các gié, các hoa tạo nên các hạt lúa và bông lúa, quyết định số hạt lúa trên bông. Người trồng lúa phải xác định đúng thời điểm để bón phân nhằm cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho quá trình phân hoá, giúp cho việc phân chia gié và hoa lúa được nhiều nhất. Việc bón phân muộn giai đoạn này khi số gié và số hoa đã phân chia xong chỉ có tác dụng nuôi đòng, không thêm được hạt và gié hoa. Trong giai đoạn cây lúa từ đứng cái, làm đòng đến khi chín, cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để cây vận chuyển tích luỹ vào hạt, tạo nhiều hạt chắc. Vì vậy, bón phân đón đòng đúng thời điểm, đúng lượng là rất cần thiết để có được số hạt/bông nhiều, hạt chắc/bông cao, đây là cơ sở cho việc tăng năng suất cây lúa.
Gần chóp lá lúa có hiện tượng thắt eo
* Cách nhận biết và thời điểm bón phân đón đòng
Một là, căn cứ vào thời gian sinh trưởng và số ngày sau sạ
Mặc dù thời gian sinh trưởng của các giống khác nhau, nhưng chúng đều có điểm chung là thời gian từ khi tượng đòng đến trổ khoảng 25 ngày, thời gian từ trổ đến chín cũng khoảng 25 ngày. Như vậy chúng ta có thể xác định thời điểm bón phân đón đòng thích hợp bằng cách lấy thời gian sinh trưởng của giống trừ đi 50 ngày. Ví dụ đối với giống lúa IR50404 có thời gian sinh trưởng là 85 ngày thì thời điểm bón phân đón đòng sẽ là 35 ngày sau sạ (85 trừ 50).
Tuy nhiên, việc căn cứ vào thời gian sinh trưởng để bón phân đón đòng chỉ đúng trong trường hợp thời tiết thuận lợi, kỹ thuật canh tác đồng bộ. Do đó, cần phải kết hợp thêm 2 căn cứ sau đây để xác định đúng thời điểm bón phân.
Hai là, căn cứ vào hình thái cây lúa
Có thể quan sát cây lúa có một số đặc điểm như: Thân trở nên tròn và cứng, các lá đứng, hai cổ lá trên cùng bằng nhau, gần chóp lá lúa có hiện tượng thắt eo, ruộng lúa ngả màu vàng chanh.
Để đảm bảo cho cây lúa ngả màu vàng chanh vào thời điểm bón đón đòng thì khi lúa được 30 - 40 ngày sau sạ phải tiến hành cắt nước để cây lúa không đẻ nhánh nữa vì lúc này các chồi mọc thêm đều vô hiệu, đồng thời việc cắt nước cũng giúp cho lá lúa chuyển sang trạng thái đứng nên đón được nhiều ánh sáng, quang hợp tốt hơn, ít sâu bệnh hơn. Tuy nhiên, khi ruộng lúa ngã màu vàng chanh thường nhầm lẫn với việc thiếu đạm.
Ba là, căn cứ vào trạng thái đòng
Xé ngẫu nhiên 10 chồi chính xem, nếu có khoảng 50% cây lúa có đòng đòng 1 – 2mm (hay còn gọi là tim đèn) thì bón phân ngay giai đoạn này là chính xác nhất.
Thời điểm thích hợp nhất để bón phân đón đòng
Bên cạnh đó, cần lưu ý:
- Không xác định số lượng phân bón trước mà phải thăm đồng nhìn màu lá, và tình hình sinh trưởng của lúa, từ đó đưa ra lượng phân bón cụ thể. Nếu ruộng tốt, lá xanh đậm, thừa đạm thì cần giảm lượng đạm về mức tối thiểu.
- Đảm bảo duy trì mực nước trong ruộng từ 3 – 5 cm để thuận lợi cho cây lúa đẻ nhánh, làm đòng và trổ bông.
- Ở giai đoạn làm đòng cây lúa cần tích lũy nhiều dinh dưỡng để nuôi đòng nên nhu cầu rất cao. Tuy nhiên, việc bón phân cũng cần lưu ý một số vấn đề đó là bón vừa đủ; sử dụng kết hợp đạm với kali, có tác dụng kích thích quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng về hạt, làm chắc hạt, sáng hạt, cứng cây, tăng năng suất và chất lượng gạo. Bên cạnh bón đủ các nguyên tố đa lượng N, P, K, có thể phun thêm phân bón lá để bổ sung các nguyên tố trung và vi lượng góp phần tăng khả năng chống chịu cho cây.
Xác định đúng thời điểm bón phân đón đòng sẽ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu cho thân chính và các chồi con trong quá trình phân hoá và nuôi đòng, đảm bảo số hạt chắc trên bông tối đa, hạn chế đổ ngã đồng thời hạn chế sự bùng phát của các loại dịch hại. mang lại năng suất và hiệu quả cao./.