Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chiều sâu, huyện Tánh Linh là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh đang tập trung các giải pháp phát triển sản xuất vùng lúa tập trung, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Sản xuất tập trung, đồng loạt
Trên địa bàn huyện Tánh Linh quy hoạch trên 11.000 ha đất trồng lúa. Trong thực tiễn sản xuất đã gặp không ít rủi ro về thị trường, biến đổi khí hậu, sản xuất manh mún, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Do đó, ngoài việc sản xuất tập trung, đồng loạt, canh tác theo SRI... kết hợp với tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị là một trong những giải pháp ổn định và lâu dài để nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Thời gian qua tại huyện Tánh Linh đã triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chiều sâu, đạt được một số kết quả bước đầu. Kết quả ấy thể hiện trong năm 2023, địa phương đã hợp tác với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long khảo nghiệm giống lúa tại 2 xã Gia An và Bắc Ruộng. Qua đó tạo ra nguồn giống có chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất đại trà trên địa bàn huyện. Bên cạnh, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống với 33 hộ dân/29 ha và hợp tác xã Gia An/15 ha, bước đầu đem lại hiệu quả đáng kể về môi trường, thói quen canh tác... Ngoài ra, các hợp tác xã, tổ hợp tác cùng liên kết với các công ty, doanh nghiệp như sản xuất giống lúa hàng năm từ 200 - 250 ha, đáp ứng cơ bản lượng giống trên địa bàn huyện, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt 95%. Kết quả này nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn trên đất trồng lúa kém hiệu quả, nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô cánh đồng lớn, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, canh tác lúa cải tiến SRI... nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo thương phẩm để nâng cao hơn nữa chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp và có đầu ra ổn định, Tánh Linh đã liên kết với Công ty Đại Nhật Phát, Công ty Đại nông Cơ giới và các doanh nghiệp khác trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên 3.200 ha lúa chất lượng cao.
Duy trì và mở rộng diện tích cánh đồng mẫu, cánh đồng mẫu lớn
Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh cho biết, từ các lợi thế về đất đai, môi trường, các chính sách phát triển sản… đến nay hạt gạo Tánh Linh đã đi vào các cửa hàng, siêu thị, các bếp ăn của các gia đình trong và ngoài huyện và được người tiêu dùng đánh giá cao, có 2 sản phẩm gạo đạt OCOP 3 sao.
Tuy nhiên, sản xuất lúa trong tỉnh nói chung và Tánh Linh nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Mặt khác, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang giai đoạn bước đầu; liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp hiệu quả chưa cao, sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa nhiều… Chính vì vậy, trong năm 2024, UBND huyện Tánh Linh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy hiệu quả thực hiện nhằm mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh, có năng suất, chất lượng cao, gia tăng chuỗi giá trị gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách đồng bộ nhằm giảm chi phí sản xuất của nhân dân. Duy trì và mở rộng diện tích cánh đồng mẫu, cánh đồng mẫu lớn trên vùng lúa chất lượng cao, tránh sản xuất manh mún...
Những ngày này, khi Tết Nguyên đán 2024 đã cận kề, nông dân trong tỉnh đang tập trung chăm sóc vụ lúa đông xuân 2023 – 2024, cùng với đó thu hoạch các loại rau, củ phục vụ nhu cầu thị trường tết. Riêng với người trồng lúa, niềm vui nhân lên khi giá lúa những ngày này đang tăng cao, bình quân trên 10.000 đồng/kg khiến bà con có thêm động lực sản xuất. Riêng với huyện Tánh Linh, để đạt được mục tiêu phát triển sản xuất vùng lúa tập trung, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu gắn liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị, lãnh đạo UBND huyện cũng kiến nghị ngành nông nghiệp tỉnh và các cấp, ngành liên quan quan tâm đảm bảo nguồn nước tưới; phát triển thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã để tăng hiệu quả chuỗi liên kết.
Theo UBND huyện Tánh Linh, hàng năm huyện sản xuất trên 26.000 ha lúa, sản lượng lương thực bình quân 165.000 tấn. Huyện xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa khoảng 3.030/3.400 ha, đạt 89,1% diện tích lúa quy hoạch trên cánh đồng lớn giai đoạn 2021-2025. Song song, triển khai và thực hiện vùng lúa chất lượng cao đạt gần 1.800 ha, chiếm 53% trên diện tích quy hoạch cánh đồng lớn. Có trên 2.700 ha được sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 69 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có gắn nhãn hiệu “Gạo Tánh Linh”.